Phát triển rau màu theo chuỗi giá trị cao

0
2130
image_printIn bài viết

(AGO) – Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đạt 3,36% (hiện nay là 2,4%), thu nhập sản xuất nông nghiệp đạt 192 triệu đồng/héc-ta/năm… là nhiệm vụ không dễ dàng. Trong số các giải pháp đưa ra, việc chuyển dần những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang liên kết trồng rau màu là hướng đi nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cũng cần nhiều thay đổi.

Chưa tương xứng tiềm năng

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang, những năm qua, diện tích canh tác rau màu của tỉnh phát triển khá nhanh và ngày càng có tính chuyên canh cao, hiện chiếm hơn 10% diện tích sản xuất lúa. An Giang là một trong những tỉnh có diện tích rau màu lớn nhất và có vùng sản xuất rau màu đặc trưng so với các tỉnh ĐBSCL, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Mới, An Phú, Châu Phú, Châu Thành… Mặt hàng rau sản xuất khá phong phú và nhiều chủng loại, như: Hành, hẹ, dưa leo, bầu, bí, khổ qua, cà chua, ớt, rau gia vị… Đối với chủng loại cây màu có đậu nành rau, đậu bắp, bắp thu trái non, bắp nếp, các loại đậu… Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và khí hậu ôn hòa, việc canh tác rau của tỉnh luôn tăng về diện tích và đạt năng suất khá ổn định.

t4.jpg

An Giang có lợi thế lớn về rau màu

Mặc dù được đánh giá là hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa nhưng tình hình phát triển sản xuất rau màu trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân do khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến công nghiệp và đóng gói vẫn còn rất hạn chế. Lâu nay, gần như chỉ có mỗi Công ty Antesco là tập trung vào lĩnh vực chế biến, đóng gói cũng như xuất khẩu rau màu các loại. Tuy nhiên, số lượng thu mua và chế biến chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nông dân. Hiện nay, phần lớn các sản phẩm rau màu của tỉnh đều bán thô cho thương lái mà không qua sơ chế. Do đó, giá trị rau màu thấp, khâu bảo quản sau thu hoạch còn yếu và tình trạng “sáng rau, chiều rác” luôn hiện hữu. Cùng với đó, chuỗi phân phối của ngành rau màu có quá nhiều khâu trung gian tham gia. Những người này đóng vai trò thu mua rau màu từ nông dân, sau đó bán lại cho các nhà máy chế biến hoặc phân phối cho thương lái nhỏ, rồi mới cung cấp cho tiểu thương các chợ. Việc có quá nhiều khâu trung gian tham gia chẳng những làm giảm chất lượng rau màu, mà còn gây gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Cần doanh nghiệp tham gia

Đại diện Chi cục BVTV An Giang cho biết, dù tỉnh đã triển khai nhiều chương trình tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân nhưng kỹ thuật sau thu hoạch vẫn chưa đảm bảo, dẫn tới việc rau màu bị giập nát, bị thâm và thời hạn sử dụng ngắn. Phần lớn sản phẩm rau màu sau khi thu hoạch chưa được bảo quản hợp lý. Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều dự án, đề tài nhằm phát triển trồng rau theo hướng an toàn, VietGAP, GlobalGAP… nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người chưa quan tâm đến rau an toàn, giá rau an toàn không cao hơn bao nhiêu so rau bình thường nên người canh tác nản chí. Để giúp nông dân tiêu thụ rau màu dễ dàng hơn trong nội địa cũng như khai thác thị trường xuất sang Campuchia, tỉnh đã từng bước xây dựng các chợ đầu mối tại huyện Chợ Mới, An Phú, TP. Châu Đốc… Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã chứng nhận 13 vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, với tổng diện tích 2.697 héc-ta tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, An Phú và TP. Long Xuyên.

Hiện nay, trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, tình trạng sản xuất “2 luống rau” (không xịt thuốc để ăn, xịt thuốc sâu để bán), nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến rau an toàn, thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Trong đó, dù tham gia chưa lâu nhưng Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam đang bước đầu gặt hái thành công. Theo Giám đốc Ngô Trung Vinh, công ty đã mở và kết nối 6 điểm bán ở các chợ (3 điểm ở TP. Long Xuyên và 3 điểm ở Châu Thành), 1 điểm bán ở khu cán bộ (phường Bình khánh, TP. Long Xuyên), 15 nhà hàng, quán ăn và 2 bếp ăn trường học. Công ty đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng khi các điểm kinh doanh đang hoạt động tốt với lượng đặt hàng ngày càng tăng. Với kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu đến 2020 đạt 100 héc-ta, công ty đang cố gắng xây dựng mô hình điểm về tổ chức quản lý từ sản xuất đến tiêu thụ rau an toàn tập trung, đồng bộ tại trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm rau, màu của tỉnh…

Về lâu dài, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ những doanh nghiệp tiên phong như Phan Nam để khai thác lợi thế cạnh tranh về sản xuất rau màu khi nhiều vùng chuyên canh đã hình thành. Khi các mô hình liên kết sản xuất được mở rộng, nông dân có thể tự chuyển đổi và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Thoe nguồn http://www.baoangiang.com.vn/