PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DO VI KHUẨN CLOSTRIDIUM BOTULINUM

0
693
image_printIn bài viết

Clostridium botulinum là trực khuẩn có nha bào, hô hấp yếm khí tuyệt đối, nhiệt độ tối thích khoảng 25oC. Bào tử của nó có khả năng chịu được nhiệt độ cao, như ở 100oC nó có khả năng chịu được 6 giờ, còn ở 120oC nó chịu được 4 phút. Một số thực phẩm đóng hộp có nguồn gốc từ động vật, thực vật, … đã gây ngộ độc thực phẩm cho con người là do độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Độc tố do vi khuẩn này tiết ra gồm nhiều loại khác nhau: A, B, C1, C2, D, E, F, G, trong đó tác động mạnh đến con người là A, B và E.

Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn có nguy cơ bị nhiễm Clostridium botulinum và sinh độc tố. Độc tố này không bị loại bỏ bằng biện pháp đun sôi thông thường. Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình: liệt cơ mắt, liệt màn hầu, co thắt họng, liệt cơ thanh quản; thường liệt cả hai bên đối xứng, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp dẫn tới tử vong. Ngộ độc do Clostridium botulinum thường tiên lượng nặng, tỉ lệ tử vong cao. Bệnh hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng tương đối dài.

Để phòng ngừa Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn đồ hộp Clostridium botulinum, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo:

          1. Nhà sản xuất: đảm bảo an toàn thực phẩm cho tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất (từ nguyên liệu cho đến thành phẩm). Đồng thời, phải kiểm soát được các mối nguy quan trọng tại một số công đoạn (điểm CCP), ví dụ: chế độ thanh, tiệt trùng đồ hộp (cần đảm bảo nhiệt độ và thời gian); công đoạn bảo ôn (ổn định) sản phẩm (cần giám sát các chỉ tiêu vi sinh), ……..

          2. Cơ sở kinh doanh:

            – Chỉ kinh doanh các sản phẩm đóng hộp của các cơ sở sản xuất thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm: hồ sơ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, thực hiện lưu các thông tin nhập, xuất hàng, ….

            – Bảo quản các sản phẩm theo yêu cầu của cơ sở sản xuất đã được ghi trên nhãn và hồ sơ công bố chất lượng.

            – Không kinh doanh các sản phẩm đồ hộp bị phồng, móp méo, …..

         3. Người tiêu dùng:

– Chỉ sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi. Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Nhiều nghiên cứu khoa học khuyến cáo thực phẩm đã nấu chín không được để quá 2 giờ trong điều kiện nhiệt độ bình thường. Nếu quá thời gian này cần phải hâm nóng lại thực phẩm trước khi ăn.

– Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.

– Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

    4. Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

-Sau khi sử dụng thực phẩm gặp một trong các dấu hiệu sau: đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt, mờ mắt, tê cứng chân tay, co giật, …..cần xử lý như sau:

– Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời

– Người thân của bệnh nhân cần lưu giữ mẫu thực phẩm còn thừa (mẫu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm) và bàn giao cho cơ quan y tế gần nhất để nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Phòng Nghiệp vụ – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang