PHÒNG TRÁNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM DO VI KHUẨN STAPHYLOCOCCUS AUREUS

0
815
image_printIn bài viết

Tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus, là một loại vi khuẩn, có hình cầu, tụ thành từng cụm như chùm nho, gram dương, không di động. không tạo thành bào tử, chịu đựng được khô hạn, sinh sắc tố trên môi trường nuôi cấy. Vi khuẩn này phân bố rất rộng ở không khí, đất, trên da, miệng, mắt, khóe mũi của người. Ngoài ra, nó còn có trong các mụn nhọt có mủ ở người và gia súc, gia cầm.

Độc tố của vi khuẩn Staphylococcus aureus bao gồm các chủng (A, B, C, D, E, F hoặc H). Vi khuẩn tồn tại ở mũi, da bị tổn thương của người, một số loài động vật khác và từ vú của bò. Thời gian ủ bệnh là 1 đến 8 giờ (thường 2 đến 4 giờ). Nhiệt độ thích hợp cho chúng sinh trưởng là 37°C, ở nhiệt độ này nó phát triển rất nhanh, sinh độc tố và làm hư hỏng thực phẩm.

Tụ cầu vàng khi nhiễm vào thực phẩm 4-5 giờ sẽ sản sinh ra ngoại độc tố, độc tố này không bị men tiêu hóa phá hủy. Khi người sử dụng thực phẩm nhiễm độc tố của tụ cầu vàng, độc tố này nhanh chóng thấm vào niêm mạc dạ dày, ruột vào máu dẫn đến các triệu chứng: buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng và chóng mặt.

Một số loại thực phẩm dễ bị nhiễm Staphylococcus aureus: chà bông, các sản phẩm từ thịt và thịt gia cầm; các sản phẩm từ kem; bánh bơ; pho mát; sữa; thúc ăn giàu protein,…

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Staphylococcus aureus dễ xảy ra khi: bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ ấm phù hợp với điều kiện phát triển của vi khuẩn, thực phẩm lên men chưa đạt chất lượng, người chế biến thực phẩm bị nhiễm bệnh, ….

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm do Staphylococcus aureus, mọi người cần phải:

1. Không để những người bị viêm xoang, viêm mũi họng, có mụn ở tay tiếp xúc với nguyên liệu thực phẩm.

2. Thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn:

+ Chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn;

+ Thực hiện “ăn chín uống sôi”. Ngâm kỹ rửa sạch, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng;

+ Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín;

+ Che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn sau khi nấu chín;

+ Đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng;

+ Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín;

+ Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ ô nhiễm khác;

+ Bảo đảm dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh;

+ Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc hỏng, quá hạn;

+ Sử dụng nguồn nước sạch an toàn trong chế biến thực phẩm.

3. Cách xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm

Sau khi sử dụng thực phẩm gặp một trong các dấu hiệu sau: đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt, mờ mắt, tê cứng chân tay, co giật, …..cần xử lý như sau:

– Liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời

– Người thân của bệnh nhân cần lưu giữ mẫu thực phẩm còn thừa (mẫu nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm) và bàn giao cho cơ quan y tế gần nhất để nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Phòng Nghiệp vụ – Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm An Giang