Quảng Bình: Triển khai thí điểm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại Chợ trung tâm thành phố Đồng Hới

0
1496
image_printIn bài viết
Thực hiện Công văn số 4667/BYT-ATTP ngày 18/8/2017 của Bộ Y tế về việc thực hiện Thông báo 321/TB-VPCP ngày 21/7/2017 của Văn phòng Chính phủ, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm; Ngày 02/11/2017, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2054/KH-UBND về việc triển khai kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các hoạt động cụ thể được triển khai bao gồm: Trang cấp các trang thiết bị, dụng cụ, bộ test xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong các loại thực phẩm phổ biến ở chợ; thành lập Tổ liên ngành lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh; tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ thuật lấy mẫu thực phẩm, các bước thực hiện các test nhanh về an toàn thực phẩm cho các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Y tế, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế – Hạ tầng, Phòng Y tế các huyện, thành phố, thị xã; cán bộ của Ban quản lý các chợ; triển khai lấy mẫu thực phẩm và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm nghiệm nhanh 1 lần/tuần (khoảng 150 mẫu các loại).

Trong thời gian thực hiện thí điểm tại Chợ Đồng Hới, đã tiến hành lấy 664 mẫu thực phẩm, gồm: bún, bánh các loại; nem chả; trái cây; rau, củ, quả tươi; rau, củ, quả muối; thịt lợn, bò, gà, tôm, cá; nước giải khát; gia vị các loại. Các chỉ tiêu kiểm nghiệm: Hàn the, Foocmon, Phẩm màu, Thuốc trừ sâu, Nitrat, Nitrit, Hypochlorid, Salicylic, test axít vô cơ trong Dấm ăn, Urê, Chất cấm Betaagonist (Clenbuterol, Ractopamine, Salbutamol). Kết quả: Số lượng mẫu không đạt yêu cầu: 15 mẫu, chiếm tỷ lệ 2,3%.

Sau khi có kết quả kiểm nghiệm nhanh, đối với các mẫu đạt yêu cầu theo các chỉ tiêu được thông báo ngay cho chủ cơ sở và công khai cho người tiêu dùng biết để lựa chọn thực phẩm an toàn. Đối với các mẫu không đạt yêu cầu theo các chỉ tiêu, tiến hành lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Đồng thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với loại sản phẩm không đạt yêu cầu cho người tiêu dùng. Tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xử lý theo quy định nếu kết quả kiểm nghiệm tại Labo không đạt yêu cầu.

Có thể nói các hoạt động trên đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng; đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Các sản phẩm thực phẩm thông dụng được kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc, chất lượng. Kết quả kiểm nghiệm là cơ sở quan trọng để giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; phát hiện, xử lý vi phạm và cảnh báo nhanh cho cộng đồng. Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tuy vậy, việc truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm còn gặp khó khăn do các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ; không có hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán các loại thực phẩm với các đại lý phân phối, một số sản phẩm thực phẩm nhập từ các tỉnh bạn nên khó kiểm soát…

Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và triển khai kiểm nghiệm nhanh an toàn thực phẩm tại các chợ trung tâm trên địa bàn quản lý theo mô hình đã triển khai tại Chợ Đồng Hới.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Bình

Nguồn http://www.vfa.gov.vn/