Siết chặt quản lý chất lượng, đảm bảo ATTP cho sản phẩm nông nghiệp

0
1357
image_printIn bài viết

(VietQ.vn) – Trong thời gian tới, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chất lượng, đảm bảo ATTP cho sản phẩm nông nghiệp.

Hàng loạt vụ việc vi phạm bị phát hiện

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trong năm 2017, đơn vị đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại 367 cơ sở; kiểm tra định kỳ 360 cơ sở sơ chế, Kinh doanh và chế biến nông lâm thủy sản. Đồng thời lấy 790 mẫu giám sát, trong đó có 85 mẫu vi phạm. Chi cục đã gửi thông báo yêu cầu cơ sở có biện pháp khắc phục tồn tại và truy xuất nguồn gốc theo đúng quy định.

Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra về chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) rất được chú trọng. Trong đó, tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 30 cơ sở kinh doanh nông lâm thủy sản, kiểm tra liên ngành tại 34 cơ sở và kiểm tra đột xuất 74 cơ sở với 80 buổi kiểm tra. Các đoàn thanh, kiểm tra đã tiến hành lấy 237 mẫu nông lâm thủy sản kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tính đến thời điểm tháng 1/2018 đã có kết quả kiểm nghiệm 213/237 mẫu, phát hiện 16/213 mẫu không bảo đảm an toàn: 9 mẫu nhiễm Samonella, 3 mẫu phát hiện chất cấm chloramphenicol, 1 mẫu thịt bò phát hiện tồn dư Clenbuterol vượt ngưỡng cho phép…Chi cục đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 38 cơ sở, với số tiền hơn 285 triệu đồng.

Ngoài ra, Chi cục cũng buộc tiêu hủy 358 kg thịt nhập khẩu đông lạnh các loại, 65 kg cá basa, 27 kg cá cơm khô…; buộc tiêu hủy hơn 1,1 nghìn kg nguyên liệu sản xuất ô mai, hoa quả chế biến không bảo đảm an toàn thực phẩm; buộc khắc phục nhãn hàng hóa 18 kg mắc ca rang; 30 kg hạt điều rang muối; 4,2 kg bò sấy…

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản cho biết, việc quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản còn nhiều bất cập khi đội ngũ chuyên môn còn quá ít so với chức năng, nhiệm vụ được giao; hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp cấp quận, huyện, xã, phường chưa có.

Siết chặt quản lý chất lượng, đảm bảo ATTP cho sản phẩm nông nghiệp - ảnh 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra lô thực phẩm hết hạn sử dụng. Ảnh: Báo Giao thông

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ phân tán, một số hoạt động sản xuất kinh doanh ngành hàng đa dạng, theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng các cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, SSOP, HACCP… còn ít. Chính quyền cấp xã, phường chưa quyết liệt trong công tác quản lý sản xuất rau, quả, chè an toàn; quản lý kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu nhắc nhở nên các vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

 Quản lý chặt việc đảm bảo ATTP nông nghiệp

Theo ông Trần Mạnh Giang, để khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên, trong năm 2018, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt ở các chợ đầu mối và công tác phân loại các cơ sở đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn để công bố rộng rãi tới người tiêu dùng.

Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn về đánh giá chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho các cán bộ chuyên môn. Đẩy mạnh kết nối giữa Chi cục với các tỉnh, thành trong việc quản lý và thực hiện liên kết chuỗi và sản phẩm tiêu thụ.

Liên quan tới vấn đề trên, mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018.Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2018: Số mẫu giám sát còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong rau, quả, chè; ô nhiễm vi sinh trong thịt; tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia trong các sản phẩm thịt, thủy sản nuôi giảm 10% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm các cấp được tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP. 100% các thông tin phản ánh về mất ATTP nông, lâm, thủy sản được xác minh, xử lý kịp thời. 85% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng thành phố quản lý được tập huấn, phổ biến kiến thức và thực hành đúng về bảo đảm ATTP. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản kiểm tra đạt yêu cầu (xếp loại A, B) về điều kiện đảm bảo ATTP tăng 10% so với năm 2017. Số cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C (không đạt điều kiện đảm bảo ATTP) được nâng hạng A, B tăng 10% so với năm 2017.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, ngoài việc hoàn thiện xây dựng cơ chế chính sách; tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm; thông tin, truyền thông về ATTP; tổ chức lực lượng, nâng cao năng lực, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra phù hợp với Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như lưu thông, buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm, các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp, ATTP…

Bảo Bình

Theo nguồn http://vietq.vn