Tạo điều kiện cho người tiêu dùng chọn thực phẩm an toàn

0
2493
image_printIn bài viết

(AGO) – Thói quen mua thực phẩm theo cảm tính, niềm tin, thông qua quen biết của người tiêu dùng đang dần chuyển hướng sang chọn những thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc và uy tín hơn tại các hệ thống cửa hàng nông sản hoặc nguồn rau, quả do tổ hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, để mọi người đều có thể tiếp cận được thực phẩm sạch một cách thuận lợi thì nguồn cung lẫn giá cả vẫn còn là một trở ngại.

Toàn tỉnh hiện có 3 cửa hàng nông sản an toàn nằm tại phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên), thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân) và phường Long Thạnh (thị xã Tân Châu), 2 chợ an toàn vệ sinh thực phẩm thí điểm là chợ Mỹ Bình và chợ Phú Mỹ. Theo Quyết định 1439 của UBND tỉnh về “Việc ban hành kế hoạch xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản an toàn, chợ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020” có 3 giai đoạn. Đến năm 2019, toàn tỉnh sẽ nhân rộng 19 cửa hàng nông sản an toàn và năm 2020 xây dựng 3 chợ nông sản an toàn. Các địa phương cũng đang dần nhân rộng mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nỗ lực tuyên truyền hình thành một thói quen tiêu dùng mới cho người dân. Tuy nhiên, khá nhiều người tiêu dùng đi chợ vẫn có thói quen mua rau, quả đẹp, bắt mắt, giá rẻ so với rau an toàn. Chị Bích Hạnh, người dân xã Phú Thọ (Phú Tân) trần tình: “Mỗi ngày đều xuống trung tâm huyện làm việc nên ghé chợ Phú Mỹ mua thực phẩm sẽ tiện hơn. Nhưng ở cửa hàng thực phẩm an toàn, nhất là mặt hàng trái cây có giá bán khá cao so với chỉ tiêu đi chợ của người dân vùng nông thôn. Ở quê mà, tiêu chí rẻ bao giờ cũng đi kèm quyết định chọn mua các sản phẩm, thậm chí nhiều bà nội trợ thà chọn rẻ hơn chọn an toàn”. Bà Trần Ngọc Anh, người dân thị trấn Phú Mỹ cũng đồng tình: “Có một cửa hàng rau sạch là niềm vui cho mọi người vì lâu nay người nông thôn vẫn tiêu thụ theo kiểu gửi gắm niềm tin cho người bán. Nhưng giá bán khá cao, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp cận các loại rau, củ được bán tại hệ thống”. Ghi nhận tại cửa hàng nông sản rau an toàn Tiện Lợi Huỳnh Điền (thị xã Tân Châu) cũng tương tự, chị Chung Yến Nhi, một trong những khách hàng, chia sẻ: “Thường tôi chỉ mua vài loại rau, củ, nếu cân đo rau, quả với thịt, cá thì nhiều loại giá cao ngang ngửa, đa số chỉ phù hợp túi tiền của dân chợ (chỉ những người sống ở trung tâm thị xã – PV)”.

T1-1.jpg

Một số mặt hàng như củ, quả, trái cây có giá thành khá cao khiến nhiều người tiêu dùng nông thôn còn e ngại chi tiền

Hệ thống cửa hàng nông sản an toàn của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Phan Nam là một trong những bước tiên phong của doanh nghiệp góp phần đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng. Khác với những vùng nông thôn còn mới mẻ với các mặt hàng do hệ thống cung cấp, người tiêu dùng tại thành phố Long Xuyên lại chấp nhận được vì họ đồng tình giá cả sẽ đi kèm với chất lượng sức khỏe. Cửa hàng nông sản an toàn tại phường Mỹ Bình với các loại rau, củ, quả, trái cây nội, ngoại nhập sau thời gian hoạt động đã có lượng khách hàng ổn định. Phải thừa nhận, mô hình chợ thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm và các cửa hàng nông sản an toàn đang mở rộng có vai trò quan trọng giúp công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ tốt hơn; nâng cao ý thức của nhà quản lý, hộ kinh doanh cũng như người tiêu dùng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn đối với cuộc sống. Xu thế phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đang được tỉnh quan tâm và cũng được đánh giá phát triển đúng hướng. Việc đưa các sản phẩm rau sạch, an toàn đạt tiêu chuẩn, có kiểm định, có truy xuất nguồn gốc bày bán tại các địa điểm trên địa bàn tỉnh là việc làm cần được nhân rộng. Song thực tế, với số chợ nông thôn trong toàn tỉnh còn rất lớn, cơ sở vật chất còn yếu kém, lạc hậu, phương thức kinh doanh nhỏ lẻ chiếm đa số… thì việc xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm hay các cửa hàng cũng là một khó khăn.

An toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhu cầu được thụ hưởng thực phẩm sạch, an toàn là nhu cầu chung của toàn xã hội. Người tiêu dùng nông thôn sẽ còn rất lâu mới có thể được tiếp cận với chuỗi thực phẩm an toàn và được thụ hưởng thực phẩm an toàn phù hợp với điều kiện của mình. Mặt khác, hệ thống cung ứng vẫn là một khoảng trống chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều ở khu vực nông thôn. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, ngành chức năng nên phát huy các vùng chuyên canh, Tổ hợp tác có giá thành mềm hơn, được người dân ngay tại địa phương ủng hộ vẫn chưa được tạo điều kiện để nâng chất lượng, đưa vào hệ thống các cửa hàng để có thể đến tay người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chí “thuận mua, vừa bán”, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hầu hết người dân.

HẠNH ĐẶNG

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn/