Tạo thuận lợi cấp phép an toàn thực phẩm

0
1658
image_printIn bài viết

(AGO) – Bằng cách thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” giữa các Sở: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), việc phối hợp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về an toàn thực phẩm (ATTP) vừa đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ, vừa rút ngắn thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Gom về một mối

Trước đây, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh An Giang khi muốn thực hiện các thủ tục như: Đăng ký cấp giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện ATTP; công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định ATTP; đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm… thường phải mất thời gian liên hệ, đến từng nơi để giải quyết TTHC liên quan đến thẩm quyền của Sở Y tế, Sở Công thương, Sở NN-PTNT. Tuy nhiên, kể từ ngày 20-8, khi Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND (QĐ40), ngày 10-8-2016, của UBND tỉnh về ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC về ATTP có hiệu lực thi hành, mọi việc trở nên đơn giản, thuận lợi hơn. Các tổ chức, cá nhân chỉ cần nộp hồ sơ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP, thuộc Sở Y tế). Cơ quan này có trách nhiệm chuyển hồ sơ đến các cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan để giải quyết TTHC, sau đó trả kết quả lại cho người nộp. Trường hợp phát sinh vượt quá thẩm quyền, Chi cục ATVSTP phải báo cáo kịp thời và đề xuất đến đơn vị chủ quản, UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.

ANH-T7.jpg

Với QĐ40, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chỉ cần nộp hồ sơ tại một đầu mối

Theo QĐ40, đối với hồ sơ đăng ký cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP, chủ cơ sở chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đáp ứng theo quy định tại các Thông tư (TT) số 26/2012/TT-BYT (ngày 30-11-2012), 47/2014/TT-BYT (ngày 11-12-2014) của Bộ Y tế, TT 45/2014/TT-BNNPTNT (ngày 3-12-2014) của Bộ NN-PTNT và TT 58/2014/TT-BCT (ngày 22-12-2014) của Bộ Công thương. Đối với hồ sơ đăng ký cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, tổ chức, cá nhân đăng ký nộp 2 bộ hồ sơ được quy định tại Chương II của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (ngày 25-4-2012) của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và TT 19/2012/TT-BYT (ngày 9-11-2012) của Bộ Y tế hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP. Đối với hồ sơ đăng ký và xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, tổ chức, cá nhân chỉ nộp 1 bộ hồ sơ đảm bảo quy định theo TT 75/2011/TT-BNNPTNT (ngày 31-10-2011) của Bộ NN-PTNT và TT 40/2012/TT-BCT (ngày 21-12-2012) của Bộ Công thương.

Giải quyết nhanh, đúng quy định

Với việc thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC về ATTP, sau khi tiếp nhận hồ sơ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm hướng dẫn cá nhân, tổ chức bổ sung, điều chỉnh đối với những trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định. Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và đúng quy định, Chi cục ATVSTP ghi phiếu biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả, thu phí, lệ phí. Theo QĐ40, trong thời hạn 24 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đúng quy định, Chi cục ATVSTP sẽ trả kết quả cho tổ chức, cá nhân.

Để đảm bảo thời gian trên, trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đúng quy định, Chi cục ATVSTP phân loại hồ sơ, có công văn đề nghị kèm theo hồ sơ và chuyển hồ sơ, phí và lệ phí đến Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (thuộc Sở NN-PTNT), phòng chức năng theo phân công của Sở Công thương (gọi tắt là các cơ quan có liên quan) để tổ chức thực hiện việc thẩm định và cấp GCN theo quy định. Trong thời hạn 10 ngày làm việc (riêng lĩnh vực Công thương là 15 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do Chi cục ATVSTP chuyển giao, các cơ quan có liên quan tiến hành thẩm định, xử lý. Nếu chưa đủ điều kiện thì có công văn trả lời và nêu rõ lý do gửi đến Chi cục ATVSTP; trường hợp đảm bảo đúng yêu cầu thì tiến hành cấp GCN theo quy định.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc (riêng lĩnh vực Công thương là 7 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được GCN, Chi cục ATVSTP xem xét, cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp quy định ATTP. Trường hợp không cấp giấy phải có thông báo trả lời nêu rõ lý do đến các tổ chức, cá nhân.

Cùng với đảm bảo thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết TTHC về ATTP, UBND tỉnh yêu cầu định kỳ hàng quý, Sở NN-PTNT và Sở Công thương phải báo cáo tình hình thực hiện quy chế trong phạm vi quản lý. Riêng đối với Sở Y tế, hàng quý phải tổ chức họp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện. Đồng thời tổng hợp báo cáo của các cơ quan có liên quan gửi về UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh để theo dõi, xử lý.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Theo nguồn http://www.baoangiang.com.vn/