Thách thức hội nhập – Kỳ cuối: Chủ động nhiều mặt

0
1680
image_printIn bài viết

(AGO) – Dù có những khó khăn, thách thức khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết nhưng đối với An Giang, 2 sản phẩm chủ lực là cây lúa và con cá sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cam kết cắt giảm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan của những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và một số nước Châu Á… Vấn đề tiếp theo là xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu để vượt qua hàng rào kỹ thuật của các thị trường này.

ps.jpg
Phải mở rộng chuỗi liên kết dọc cá tra mới vực dậy được thế mạnh của sản phẩm này. Ảnh: THANH HÙNG.
Điểm sáng trong bế tắc
Con cá tra vốn được xem là “kho báu” của vùng ĐBSCL, bởi trên thế giới, chẳng nơi nào có điều kiện nuôi cá tra tốt như dòng Cửu Long. Vào thời “hoàng kim”, loài cá với phẩm chất thịt thơm ngon, chứa nhiều dinh dưỡng tự nhiên, được thế giới ưa chuộng này từng giúp rất nhiều hộ trở thành tỷ phú, đại gia. Tuy nhiên, do không quy hoạch, kiểm soát được vùng nuôi, không quản lý được các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản, chưa có quy định về giá sàn xuất khẩu… nên thị trường cá tra như một mớ hỗn độn. Do DN trong nước tự cạnh tranh, phá giá nhau nên giá xuất khẩu cá tra liên tục giảm, kéo giá nguyên liệu giảm theo, người nuôi thua lỗ triền miên, còn DN xuất khẩu cũng điêu đứng.
Từ loài cá từng giúp người nông dân giàu nhanh, nay những ao cá rộng mênh mông lại trở thành gánh nặng. Những hộ có tâm huyết muốn nuôi tiếp thì thiếu vốn, bởi để đầu tư 1 héc-ta ao nuôi, chi phí bình quân hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân hàng định giá ao nuôi bằng đất nông nghiệp nên số vốn giải ngân chưa đáp ứng được 1/10 chi phí đầu tư. Trong bối cảnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai thí điểm chuỗi liên kết dọc cá tra tại An Giang như một điểm sáng, giúp giải bài toán khó. Bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Thuận An (Tafishco), DN tiên phong tham gia chuỗi liên kết dọc cá tra, cho biết, hiệu quả của mô hình là cả DN và các hộ nuôi liên kết không lo về vốn, không sợ sử dụng vốn sai mục đích. “Tham gia mô hình thí điểm, Agribank An Giang không giải ngân tiền mặt mà mở tài khoản cho DN và hộ nuôi. Thức ăn được cung cấp từng đợt, đúng giá gốc theo nhu cầu của hộ nuôi. Sau khi bán cá cho công ty, việc thanh toán tiền mua con giống, thức ăn, lãi suất ngân hàng cũng qua chuyển khoản, tiền lời nông dân được giữ lại” – bà Trinh chia sẻ.
“Điểm hay nhất của mô hình là nông dân không phải chạy đôn, chạy đáo lo tiền mua thức ăn lên đến vài chục triệu đồng mỗi ngày. Đến ngày thu hoạch, công ty xuống mua đúng hẹn, đảm bảo cá đạt size xuất khẩu. Nhờ được cung cấp thức ăn giá gốc nên tiết kiệm được chi phí, lợi nhuận cao hơn nuôi bình thường” – ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi ở Châu Phú, phấn khởi.
“Tiếp sức” xây dựng chuỗi giá trị
PGS.TS Nguyễn Phú Son, Trung tâm Chuyển giao công nghệ – Đại học Cần Thơ, cho rằng, trên thực tế, do có nhiều kinh nghiệm nên đa phần các hộ nuôi cá ở An Giang đạt năng suất cao, chi phí thấp hơn so với DN tự xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu DN liên kết với hộ nuôi hoặc hợp tác xã (HTX), tham gia cung cấp con giống, sản phẩm đầu vào (thức ăn, thuốc thủy sản) giá gốc thông qua hợp đồng thì hiệu quả cao hơn. “Điển hình như chuỗi liên kết dọc cá tra của Công ty TNHH TM-DV Thuận An, được hỗ trợ của NHNN. Thông qua liên kết, DN kiểm soát được vùng nguyên liệu, giúp truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, nông dân cũng hình thành được thói quen nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn quốc tế, không bị áp lực về vốn, lợi nhuận cũng cao hơn. Đối với DN kinh doanh thức ăn thủy sản cũng có được thị trường tiêu thụ ổn định, yên tâm thu tiền qua ngân hàng. Mô hình này rất hay nhưng tiếc là diện tích liên kết còn khiêm tốn. Nếu có sự tham gia của HTX thì càng tốt” – ông Son đánh giá.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra, bà Văng Thị Minh Mẫn, Trưởng phòng Đối ngoại – Công ty Tafishco, đề nghị tiếp tục hỗ trợ vốn vay để công ty mở rộng mô hình thí điểm này. “Chỉ khi xây dựng và quản lý được vùng nuôi, thắt chặt trách nhiệm của các bên tham gia, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu thì mới tiến tới xây dựng thương hiệu cho con cá tra, phục hồi thế mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của tỉnh” – bà Mẫn đề nghị. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam nhấn mạnh: “Đối với chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco, sau thời gian thí điểm đã cho hiệu quả tốt. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh An Giang gởi kiến nghị đến Thống đốc NHNN có chính sách hỗ trợ nhân rộng, chứ không còn thí điểm nữa”.
Lời khẳng định của người đứng đầu Sở Công thương An Giang cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh khi định hướng đến năm 2020, tỉnh sẽ phát triển 1.430 héc-ta liên kết tiêu thụ ổn định với DN. Qua đó, tạo điều kiện nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt từ 15-20% trên sản lượng 220.000 tấn thành phẩm. Đối với cây lúa, tỉnh định hướng phát triển “Cánh đồng lớn”, chỉ tập trung vào vài giống lúa chủ lực để xây dựng thương hiệu nội địa và xuất khẩu. Muốn như thế, vai trò của DN và HTX cần phải được phát huy.
NHÓM PV KINH TẾ