Thách thức hội nhập – Kỳ II: Tận dụng cơ hội

0
1698
image_printIn bài viết

(AGO) – So với các địa phương khác, An Giang có lợi thế xây dựng vùng chăn nuôi gia súc lớn, nuôi thủy sản hàng đầu, đặc biệt là cá tra, cá rô phi, tôm nước ngọt… Tỉnh cũng có thế mạnh sản xuất lúa, rau màu, trái cây đặc sản đứng top đầu cả nước. Vấn đề còn lại là ứng dụng sản xuất sạch, an toàn, chú trọng chất lượng, chọn lựa loại cây, con phù hợp. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư liên kết để nâng cao giá trị, phát triển thương hiệu nông sản xuất khẩu và xây dựng uy tín thị trường nội địa.

Mạnh dạn thay đổi

Trên cánh đồng rộng mênh mông cặp các tuyến kênh lớn ở xã vùng trong Vĩnh Phước (Tri Tôn) lâu nay vốn quen với cây lúa bỗng xuất hiện trang trại trồng chuối quy mô lớn. Đây là kết quả từ nỗ lực kêu gọi đầu tư của huyện Tri Tôn kết hợp với quyết tâm nắm bắt thời cơ hội nhập của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát (Công ty Vĩnh Phát, TP. Long Xuyên). Được huyện Tri Tôn hỗ trợ giao 400 héc-ta đất tại ấp Vĩnh Thành, công ty quyết định trồng thử nghiệm giống chuối Nam Mỹ. Đây là loại chuối được thị trường thế giới ưa chuộng bởi khi chín quả có màu vàng ươm, có mùi thơm và dẻo, bảo quản tự nhiên được lâu.

Nhận thấy xuất khẩu chuối là cơ hội làm ăn tốt khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký với các nước có hiệu lực, Công ty Vĩnh Phát đã quyết định đầu tư trang trại chuối với hệ thống phun tưới di động, nhà kho, vườn ươm giống, một số dây chuyền tự động hóa với tổng số vốn 127 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã xuống giống được 36 héc-ta, bình quân trồng khoảng 2.000 cây chuối/héc-ta, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động tại địa phương. Dự kiến, đến khi thu hoạch, số lao động thời vụ sẽ tăng lên từ 500 – 600 người. Về đầu ra, công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Trung Đông. Qua theo dõi, chuối Nam Mỹ dễ trồng, phát triển tốt, chịu được vùng đất nhiễm phèn ở Tri Tôn. Cây sinh trưởng nhanh, khỏe và ít bệnh. Dự kiến sau 9 tháng trồng, chuối sẽ bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất bình quân từ 35 – 40kg/quày, cao hơn một số giống chuối truyền thống.

PS.jpg

Theo đại diện Công ty Vĩnh Phát, giá bán chuối hiện nay khoảng 12.000 đồng/kg. Với 2.000 cây chuối/héc-ta, năng suất thu hoạch đồng loạt có thể đạt 70 – 80 tấn/héc-ta. Đại diện công ty cho rằng, ngay với giá bán 10.000 đồng/kg (mức thấp), thì mỗi héc-ta chuối có thể thu về ít nhất 700 triệu đồng/đợt. Sau trừ chi phí giống, phân bón (chủ yếu là phân hữu cơ), nhân công, khấu hao tài sản đầu tư… mỗi héc-ta chuối cho lợi nhuận tối thiểu 300 triệu đồng/đợt. Sau khi thu hoạch đợt chuối giống đầu tiên, chuối con tự đâm lên và cho thu hoạch liên tục nhiều năm mới trồng lại đợt mới. Lúc này, chỉ còn tốn chi phí chăm sóc, bón phân, thu hoạch nên lợi nhuận tăng thêm. So với lúa, lợi nhuận trồng chuối cao gấp cả chục lần trên cùng diện tích.

Khuyến khích liên kết

Qua theo dõi trang trại chuối của Công ty Vĩnh Phát, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương cho rằng, đây là mô hình hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện. Nếu mở rộng liên kết với các hộ dân, mô hình chẳng những giúp tăng thu nhập nhiều lần so với trồng lúa mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. “Lợi thế của huyện Tri Tôn là có nhiều cánh đồng rộng lớn, nối liền nhau đến vài ngàn héc-ta nên rất thuận tiện thực hiện liên kết với DN. Cùng với đề nghị Công ty Vĩnh Phát mở rộng liên kết với nông dân Vĩnh Phước theo hình thức cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chuối Nam Mỹ, huyện đang xúc tiến với một DN lớn ở Long An về đây hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu trồng chuối ứng dụng công nghệ cao. DN này đã xây dựng được thương hiệu chuối xuất qua Nhật Bản. Chỉ cần có hiệu quả kinh tế, yên tâm đầu ra thì nông dân Tri Tôn sẵn sàng hợp tác” – ông Sương nhấn mạnh.

Cùng với cây chuối, mô hình nuôi heo theo quy mô trang trại cũng đang là triển vọng mới, được nhiều DN quan tâm đầu tư tại Tri Tôn. Trong đó, trang trại Hoàng Vĩnh Gia ở xã biên giới Vĩnh Gia đã bắt đầu cho khai thác những lứa heo thịt đầu tiên sau hơn 1 năm bỏ nhiều chi phí đầu tư chuồng trại theo tiêu chuẩn của Tập đoàn CP (Thái Lan). Toàn bộ con giống, thức ăn, quy trình chăm sóc đều được tập đoàn này cung cấp, kể cả bác sĩ thú y. Đến khi xuất chuồng, Tập đoàn CP cho xe xuống thu gom toàn bộ. Theo ông Huỳnh Chánh Huy, chủ trang trại Hoàng Vĩnh Gia, với 5 trại hiện có, ông thả nuôi 1.200 con heo/trại. Qua hơn 4 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng trên 100kg/con. Với mỗi con heo xuất chuồng, ông được Tập đoàn CP trả từ 450.000 – 500.000 đồng. Tính ra, mỗi đợt heo, 5 trại nuôi thu về gần 3 tỷ đồng. Do không tốn con giống, thức ăn, chủ yếu là trả tiền nhân công, điện, nước nên lời nhuận khá cao. Mỗi năm tổ chức từ 2 – 3 đợt nuôi, dự báo chưa tới 5 năm sau, trang trại có thể thu hồi vốn đầu tư.

Cùng với huyện Tri Tôn, các DN chăn nuôi lớn, đặc biệt là heo giống và heo thịt đang đẩy mạnh đầu tư ở huyện Tịnh Biên, cũng nhờ lợi thế đất rộng. Đối với các địa phương khác, tùy theo thế mạnh cây, con, các DN đang xúc tiến đầu tư, liên kết với nông dân, tập trung vào rau an toàn, dưa lưới, cà bi, xoài… cùng các loài thủy sản thế mạnh. Đó là cách đón đầu thời cơ hội nhập.

NHÓM PV KINH TẾ