Thị trường An Giang tràn ngập nông sản thế giới

0
2736
image_printIn bài viết

(AGO) – Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa được phê chuẩn nhưng hiện nay, thị trường An Giang đã tràn ngập các mặt hàng nông sản (NS) của thế giới. Vậy NS của nông dân (ND) trong tỉnh đang đứng ở đâu trong cuộc chơi này?

Từ rau củ, trái cây…

Đi đầu trong nhóm hàng NS rau, củ, trái cây là hàng hóa đến từ các nước Trung Quốc (TQ), Thái Lan, Hoa Kỳ, Newzeland, Ấn Độ, với các loại cây trái tiêu biểu như: Khoai tây, cà rốt, tỏi, hành, gừng; bòn bon, măng cụt, táo, nho… Chỉ tính riêng NS TQ, đã cung cấp cho thị trường Việt Nam gần 20 loại rau, củ (từ hành tím, hành tây, gừng đến các loại đậu). Giờ đây, NS TQ không chỉ có mặt ở chợ đầu mối từ Nam chí Bắc, mà đã len lỏi vào các chợ truyền thống, chợ dân sinh hay chợ tự phát để phục vụ người mua. Đặc biệt, những năm gần đây, thông qua mô hình bán hàng trên xe đẩy (chợ di động), rau, củ TQ đã có mặt ở tận các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. “Đặc điểm của rau, củ TQ là giá rẻ nhưng mẫu mã rất bắt mắt nên được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Cụ thể, giá cà rốt tại chợ đầu mối chỉ có 7.000 đồng/kg, gừng 12.000 đồng/kg. Khi vào đến thị trường Việt Nam, các loại nông sản này được rửa sạch, bao bì rất đẹp. Cà rốt, gừng họ đóng vào mỗi thùng 10kg, rất tiện lợi trong giao dịch” – bà Nguyễn Thị Mai, chủ vựa rau, củ chợ đầu mối Long Xuyên, chia sẻ.

t1.jpg

Trái cây của Thái Lan, Hoa Kỳ, Newzeland vẫn chiếm ưu thế tại thị trường nội tỉnh. Ảnh: MINH HIỂN

Góp mặt trong các mặt hàng rau, củ giá rẻ còn có hành tím của Ấn Độ. Trong khi hành tím của TQ là 14.000 đồng/kg, hành của ND TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến 22.000 đồng/kg thì với hành tím Ấn Độ, giá chỉ từ 7.000 đồng/kg. Đối với các mặt hàng rau, củ khác, NS TQ gần như chiếm lợi thế tuyệt đối ở thị trường An Giang. Riêng những loại trái cây như bòn bon, măng cụt, me ngọt, trái mây, xoài, sầu riêng, thanh long ruột vàng… NS TQ mới nhường chỗ cho hàng của người Thái. Những sản phẩm trên vào thị trường Việt Nam bằng cả đường nhập khẩu chính ngạch và tiểu ngạch.

Năm 2015, để khuyến khích doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài (đặc biệt là Việt Nam), từ ngày 11 đến 19-8-2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ (CNY) so với đồng USD, khiến đồng CNY mất giá đến 4,7% so với trước. Động thái này khiến NS TQ ào ạt vào thị trường Việt Nam, đẩy NS của ND trong nước bị “lép vế”. Thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam phải chi 80,7 triệu USD để nhập khẩu các loại rau củ của TQ.

…đến các loại thịt đỏ

“NS nước ngoài nhập vào Việt Nam vừa ngon lại vừa rẻ, thử hỏi NS của ND trong tỉnh sẽ đứng đâu ở cuộc chơi này? Có một thực tế, đời sống của người dân trong cả nước vẫn còn khó cùng với tâm lý sính ngoại, việc chọn ăn nông sản nước ngoài là điều không tránh khỏi…” – ông Hoàng Tuấn Anh, phường Long Thạnh (TX. Tân Châu) nói thẳng.

Nếu mặt hàng rau, củ, trái cây của TQ và Thái Lan đang đứng đầu thì đối với các loại thịt, cá… người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nhập khẩu từ các nước như: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Pháp, Canada. “Hai năm nay, gia đình tôi chuyển sang ăn thịt trâu Ấn Độ hoặc gà Tây của My, chứ không ăn sản phẩm của ND trong nước. Thịt trâu Ấn Độ vừa rẻ lại vừa thơm, ngon. Tại Metro hoặc hệ thống siêu thị VinMart,  đùi trâu giá  bán chỉ 123.000 đồng/kg, gà Mỹ bán chưa tới 30.000 đồng/kg” – chị Trần Thị Mỹ Lệ, phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên), chia sẻ.

Lợi thế của một nền sản xuất mang tính công nghiệp, quy mô lớn đã khiến cho giá thành của NS thế giới thấp ở mức thấp kỷ lục. Và cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp đang làm cho thế giới sẽ có nhiều thay đổi hơn nữa, trong khi NS của ND trong tỉnh vẫn loay hoay với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu an toàn. “ND trong tỉnh ngay từ bây giờ cần đi vào con đường làm ăn hợp tác để cùng nhau suy nghĩ trên “luống cày” của mình. Sự hợp tác đó sẽ là nền tảng để áp dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, tạo ra được sản phẩm có giá thành thấp, năng suất cao; phương thức “mua chung, bán chung” sẽ là một lợi thế trong đàm phán, từ đó giúp chúng ta dễ thành công hơn…” – ông Lê Thành Lập, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, gợi ý.

Đi cùng với đó, Nhà nước cần suy nghĩ đến việc quy hoạch mỗi làng một sản phẩm như ở Nhật Bản hay các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc… Cần sớm thay đổi tư duy từ quản lý làng xã sang quản trị một sản phẩm, làng nghề để ở đó, chính quyền cùng với ND tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp để tăng thêm thu nhập cho ND. Có vậy thì quá trình hội nhập hiện nay, NS của ND trong tỉnh mới có hy vọng chọn được chỗ đứng cho riêng mình.

“Nhà nước cần giúp người dân khảo sát, thống kê thị trường cho từng loại sản phẩm, loại nào nuôi, trồng bao nhiêu để có thị trường tiêu thụ tốt; tránh trường hợp 1 sản phẩm có quá nhiều người trồng, dễ dẫn đến tình trạng thừa hàng, dội chợ” – ông Trần Văn On, xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), kiến nghị.

 

MINH HIỂN

Theo http://www.baoangiang.com.vn/