Thị trường nông sản sau Tết

0
1789
image_printIn bài viết

(AGO) – Sau Tết Nguyên đán, nguồn nông sản cung cấp ra thị trường dồi dào nhưng giá cả tương đối hạ nhiệt, không có sự biến động lớn, sức mua còn chậm.

Giá tại chợ không tăng

Tình hình giá cả các mặt hàng nông sản tại chợ trong những ngày sau Tết cơ bản ổn định, nguồn hàng dồi dào về số lượng và chủng loại, đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chị Nguyễn Thị Tươi, tiểu thương bán rau tại chợ Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) cho biết, sau Tết, các mặt hàng thực phẩm tại chợ bán với giá cả hợp lý, ổn định, không còn tình trạng khan hiếm và tăng giá như những năm trước. Cụ thể, giá các mặt hàng nông sản như: Đậu bắp giá 6.000-8.000 đồng/kg; củ cải trắng giá 11.000-15.000 đồng/kg, cải ngọt 3.000-4.000 đồng/kg, khổ qua 17.000-20.000 đồng/kg, cải xanh 4.000 đồng/kg… Với mức giá này, nhiều bà nội trợ cảm thấy khá hài lòng. Chị Trần Thị Kim Anh (phường Mỹ Phước) cho biết: “Tưởng qua Tết giá cả tăng nhưng không ngờ đến nay vẫn ổn định. Tôi có thể thoải mái mua sắm thực phẩm mà không lo chuyện giá cả”.

Tuy giá các mặt hàng thời điểm hiện tại không có nhiều biến động, nhưng theo các tiểu thương, sức mua của người dân vẫn không tăng. Chị Lê Ngọc Giàu, bán rau, củ tại chợ, cho biết: “Năm nay, sức mua của người dân không cao, thậm chí không bằng năm vừa rồi. Ngay cả thời điểm rằm tháng Giêng cũng vậy, chỉ có một số mặt hàng, chủ yếu là nấm rơm và đồ chay chế biến sẵn được tiêu thụ mạnh trong dịp này, nên giá tăng cao. Còn lại, hầu như giá cả nhiều mặt hàng nông sản không tăng đột biến, mức giá chỉ tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg”.

Rớt giá tại ruộng

Tại vùng chuyên canh rau màu xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), nông dân đang tất bật thu hoạch nông sản nhưng không khí khá trầm lắng. Theo kinh nghiệm của nhiều người trồng rau màu, thời điểm sau Tết, giá một số mặt hàng như: Bắp cải, củ cải, cải xanh, xà lách… có sụt chút đỉnh nhưng chấp nhận được. Tuy nhiên, năm nay giá mặt hàng này xuống thấp nên nông dân lo lắng. Chị Nguyễn Thị Nga (ngụ ấp Mỹ An 2) canh tác 4 công màu, trồng các loại rau như: Rau cần, diếp cá, rau muống… đã quen với điệp khúc “được mùa, mất giá”, nên khá bình thản. Chị cho biết, giá nông sản lên xuống mỗi năm là chuyện bình thường. Hàng năm, giá rau, củ, quả thường tăng cao trong khoảng tháng 9 và tháng 10 âm lịch, sang cận Tết Nguyên đán, giá thường giảm mạnh do thời tiết thuận lợi cho sản xuất và có nhiều người phát triển diện tích trồng rau theo thời vụ bán Tết. “Theo tôi, giá rau màu thường lên cao hay xuống thấp không quá lâu, thường thì tăng, giảm khoảng 7-10 ngày rồi trở lại bình thường nên cũng không phải lo lắng nhiều” – chị Nga chia sẻ.

Giống như chị Nga, anh Phan Thanh Giàu, nông dân trồng màu ở xã Bình Thủy (Châu Phú) đang đau đầu vì nông sản rớt giá. Anh Giàu cho biết, sau Tết, bà con nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đồng loạt thu hoạch nông sản nên nguồn cung tăng vọt. Một phần do thời tiết thuận lợi hơn cho việc sản xuất, một phần do thời gian qua giá tăng cao, nông dân tăng diện tích trồng nhằm đón đầu nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào dịp Tết. Điều này làm giá nhiều loại rau, củ giảm. “Thời gian qua, thấy bán được giá, nông dân nhiều địa phương đã tập trung phát triển sản xuất. Thời điểm này, bắt đầu bước vào thu hoạch rộ nên chuyện giảm giá là rất khó tránh khỏi, nhất là khi tới thời điểm thu hoạch không thể để lâu ” – anh Giàu thông tin.

Bài, ảnh: ĐÌNH ĐỨC (Theo http://www.baoangiang.com.vn/)