Xử lý khẩn cấp thực phẩm nhiễm Clostridium botulinum typ B.

0
830
image_printIn bài viết

Thực hiện Công văn số 1995/ATTP-NĐTT ngày 29/8/2020 của Cục An toàn thực phẩm về việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm; Công văn số 1203/QLCL-CL2 ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản về việc phối hợp xử lý sản phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP, Ban Chỉ đạo Liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

1. Sở Thông tin và Truyền thông:

– Phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền về tình hình ngộ độc, nguyên nhân, triệu chứng và hướng xử lý khi có ngộ độc xảy ra.

– Thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới.

2. Cục Quản lý thị trường:

– Phối hợp với Sở Y tế, Sở Công thương, Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành phố tổ chức kiểm tra, giám sát các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ: tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) gồm 13 sản phẩm: Pate Minh Chay, Pate nấm hầu thủ, Ruốc nấm Heri vị hảo hạng, Muối vừng bát bảo đặc biệt, Ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, Giò lụa lúa mì, Muối lạc truyền thống, Chả quế lúa mì, Muối vừng bát bảo, Giò nấm lúa mì, Ruốc nấm truyền thống, Ruốc nấm sả ớt, Ruốc nấm cháy tỏi. Qua giám sát nếu phát hiện sản phẩm nêu trên lưu thông trên thị trường sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý.

3. Sở Y tế:

 – Chỉ đạo các Bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thuốc, trang thiết bị y tế để thu nhận và điều trị kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm do Clostridium botulinum.

– Chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố:

Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, tiến hành điều tra ngộ độc thực phẩm. Tuyên truyền cho người tiêu dùng theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như mệt mỏi, sụp mi mắt, yếu cơ tứ chi, khó nuốt, liệt cơ, khó thở,…. cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và xử trí kịp thời; Tổ chức rà soát, thu hồi các sản phẩm còn tồn đọng của người tiêu dùng trên địa bàn (nếu có).

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động kiểm soát An toàn thực phẩm đối với sản phẩm, cơ sở kinh doanh nông sản; Phối hợp với Sở Y tế và Y tế địa phương điều tra, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

4. Sở Công thương:

Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, kiểm kê, báo cáo  các sản phẩm của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới hiện còn lưu trữ tại cơ sở và có phương án tiêu hủy.

5. Ban Chỉ đạo huyện, thị, thành phố:

Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý; Phối hợp với ngành Y tế nắm lại tình hình người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nêu trên, từ đó có giải pháp theo dõi sức khỏe, xử lý và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do Clostridium botulinum.

Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đề nghị các Sở ngành và Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm 11 huyện, thị, thành phố triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện theo Công văn số số 1995/ATTP-NĐTT ngày 29/8/2020 của Cục An toàn thực phẩm và Công văn số số 1203/QLCL-CL2 ngày 01/9/2020 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản về Sở Y tế (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, địa chỉ: Số 71 Nguyễn Văn Linh, phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang; điện thoại: 02963 957 811; email: ccatvstp@angiang.gov.vn) để tổng hợp và báo cáo Cục An toàn thực phẩm.


Tải công văn tại đây

https://antoanthucpham.angiang.gov.vn/wp-content/uploads/2020/09/signed-cv-ve-viec-xu-ly-khan-cap-san-pham-khong-bao-dam-an-toan-thuc-pham.pdf

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh An Giang